Doanh nghiệp Việt ít quan tâm đến EVFTA, vì sao?

Lý giải cho việc hiệp định đã kết thúc sau 5 năm đàm phán nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, vì 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất…

Mới đây, tại Hội nghị Tận dụng Hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19 sáng 29/6, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

EVFTA
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU.

Ông Khánh cũng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%.

Khi Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các cơ hội như vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị.

Theo ông Khánh, để làm được việc này, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, hiện Vụ Chính sách thương mại đa biên đã đăng tải các nội dung của Hiệp định EVFTA, trong đó có một mục là hỏi đáp. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm rồi nhưng vẫn chưa có câu hỏi nào. Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít.

Lý giải cho việc hiệp định đã kết thúc sau 5 năm đàm phán nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng vì 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất…

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong số 50% doanh nghiệp xuất nhập khẩu này chủ yếu là bán FOB và mua CNF tức là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng ấy là ai. Chỉ những người nào trực tiếp trả thuế nhập khẩu bên Châu Âu thì mới quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến hiệp định thì vẫn có nhiều hiệp hội tích cực như Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội Da giày… Ông Khánh kỳ vọng, các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa, nghiên cứu hiệp định tốt hơn nữa, đừng để người nước ngoài nắm bắt cơ hội được mở ra từ EVFTA trước chúng ta.

Theo Chi Lê/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email