Di chỉ 3.500 năm của Hà Nội có nguy cơ biến mất bởi Cty Vietracimex

Rất nhiều giáo sư, nhà khoa học cùng người dân bức xúc trước việc Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Việt Nam (Vietracimex) san bằng khu vực gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng thuộc Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối – Di chỉ khảo cổ 3.500 năm tuổi độc nhất vô nhị của Hà Nội nằm ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

Phần lớn diện tích di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội đã bị Vietraximex san phẳng. (Ảnh: FB Di chỉ Vườn Chuối)

Vietracimex thi công đường lấp di chỉ cổ?

PGS.TS. Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ, chủ nhiệm dự án khai quật khảo cổ học theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết mấy ngày nay ông liên tục xuống công trường tại khu phức hợp Vườn Chuối (Kim Chung, Hòa Đức) và chứng kiến cảnh nhân công của Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Việt Nam (Vietracimex) san lấp làm đường vành đai 3.5 ở khu gò Mỏ Phượng và Dền Rắn thuộc di chỉ Vườn Chuối.

Theo PGS.TS. Bùi văn Liêm, hiện trạng khu vực di chỉ khảo cổ hiện nay, gò Mỏ Phượng đã bị san ủi tới 90% diện tích, gò Dền Rắn cũng mất tới 50%, đơn vị thi công đã san ủi và làm cống, làm đường nội bộ trên những diện tích này. Các hố thám sát mà Viện Khảo cổ thực hiện trong thời gian qua hiện nay cũng đã bị lấp.

Ngày 5/11/2019 PGS. TS. Bùi Văn Liêm – Phó Viện Trưởng Viện Khảo Cổ Học – người chỉ huy cuộc khai quật các Di Chỉ đã đi nhặt những mảnh cổ vật ở Di chỉ Mỏ Phượng khi phần lớn diện tích bị san ủi. (Ảnh: FB Di chỉ Vườn Chuối).

Đáng chú ý, trong suốt quá trình Vietracimex tiến hành san ủi, làm cống, làm đường, không hề có một đơn vị nào giám sát. “Vườn Chuối hiện đang bị xâm hại vô cùng nghiêm trọng. Mỏ Phượng gần như bị xóa sổ, Dền Rắn bị phá một nửa, còn Vườn Chuối, nơi các nhà khảo cổ kiến nghị giữ lại để bảo tồn thì liên tục bị trộm đồ cổ những ngày gần đây”, ông nói.

“Chúng tôi đề xuất khu Mỏ Phượng và Dền Rắn khi thi công phải có giám sát của cán bộ chuyên môn. Quá trình khảo sát phát hiện 25 hố thăm dò ở hai khu vực này với tổng diện tích 200m2, chúng tôi chưa bàn giao mặt bằng nhưng đơn vị này (Vietracimex- PV) đã thi công đường, đặt cống ngầm như thế vi phạm các văn bản thành phố, Luật Di sản. Giấy phép khai quật cho phép chúng tôi khai quật hết tháng 11/2019”, PGS. TS. Bùi Văn Liêm tiếp tục lên tiếng.

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969, đến nay đã 9 lần khai quật. (Ảnh: FB Di chỉ Vườn Chuối).

Rất nhiều chuyên gia khảo cổ, trong đó có GS. Lâm Thị Mỹ Dung, TS. Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), những người nhiều năm nghiên cứu, khai quật Di chỉ Vườn Chuối cũng đã kịch liệt lên tiếng phản đối hành động phá hủy di chỉ trên. Theo GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung đây là di chỉ đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội cách đây ít nhất từ 3.500-2.000 năm.

Một người con của thôn Lai Xá, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá, bày tỏ sự thất vọng: “Tia hy vọng vừa lóe lên khi Viện Khảo cổ học báo cáo công khai kết quả khai quật vừa qua với đánh giá rất cao giá trị của di chỉ thì nay bị dập tắt bằng việc xe ủi san phẳng khi di chỉ đã được khoanh vùng để khai quật”.

Nhiều nhà khoa học cũng kiến nghị nên khoanh vùng bảo vệ, giữ lại một phần di chỉ khảo cổ này để làm công viên khảo cổ và nơi thực tập, tham khảo cho sinh viên ngành khảo cổ. Ông Trần Đình Thành – Cục phó Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực này, đồng thời khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng cho di tích Vườn Chuối.

Trước sự việc trên, TS. Nguyễn Doãn Văn – Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội, cho biết: Vừa qua ông có xuống kiểm tra thực địa tại công trường. Các ngành và các cấp thống nhất rằng, trong quá trình triển khai ở khu Mỏ Phượng và Dền Rắn, đơn vị thi công phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, huyện và cơ quan ngành văn hóa. “Trong trường hợp có xuất lộ và bất thường về hiện vật phải dừng thi công ngay, tuân thủ quy trình của Luật Di dản văn hóa, tuy nhiên đơn vị thi công vẫn không tuân thủ”, ông nói.

Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. (Ảnh: FB Di chỉ Vườn Chuối).

Tạm dừng thi công khi phát hiện có di tích, cổ vật

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.

PGS.TS, Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết di chỉ Vườn Chuối chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn, phản ánh thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên của Việt Nam.

Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. Đây là di chỉ đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội cách đây ít nhất từ 2.000 – 3.500 năm. Khi đào rộng hố khai quật, các nhà khoa học phát hiện một số hiện vật mộ táng thu được còn ở tình trạng tốt, có thể đủ điều kiện xét nghiệm ADN, xác định niên đại.

Tháng 5/2019, các cơ quan chức năng đã cho phép tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối lần thứ 9. Đây là lần khai quật có quy mô lớn nhất hơn nửa thế kỷ qua. Tại 2 hố khai quật trung tâm, phát hiện tổng số 15 ngôi mộ cổ thời Đồng Đậu và Đông Sơn, tức là cách chúng ta hơn 2.000 năm.

Ngày 22/10, các nhà khảo cổ có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ Vườn chuối do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, trong đó đánh giá rất cao giá trị của di chỉ. Tuy nhiên, những ngày qua đơn vị thi công tiếp tục san ủi, lắp đặt cống ngầm tại khu vực gò Mỏ Phượng và Dền Rắn. Khu vực này vẫn đang trong quá trình thăm dò khảo cổ.

Trước sự việc trên, ngày 4/11, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội Tô Văn Động đã gửi văn bản về việc bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối đến một số đơn vị liên quan.

Theo đó, Sở VHTT Hà Nội đề nghị các đơn vị Chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và Khu đô thị Thăng Long 9 tổ chức theo dõi phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công tại khu vực liên quan đến di chỉ Vườn Chuối cũng như các khu vực thi công khác. Trong trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật cổ, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho Phòng VHTT huyện Hoài Đức, Ban QL Di tích và danh thắng Hà Nội để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND xã Kim Chung cho biết, đến nay, huyện chưa có văn bản gửi cho xã nên chính quyền xã chưa có cơ sở pháp lý để theo dõi, giám sát đơn vị thi công.

Vietracimex và những lùm xùm tai tiếng ở Hà Nội

Vietracimex tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được thành lập năm 1999, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Ông Võ Nhật Thăng trước đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty. Ông Thăng được dư luận biết đến sau khi thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex khi Tổng công ty này được cổ phần hóa.

Năm 2007, tỉnh Hà Tây (trước kia) đã giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả khu Vườn Chuối. Tháng 7/2018, đơn vị thi công đã đổ phế thải lấp toàn bộ khu di chỉ khảo cổ.

Trước đó, đơn vị này cũng đã làm một con đường bê-tông cắt đôi khu vực Vườn Chuối và đè lên cả di chỉ khảo cổ. Người dân đã kêu cứu, các nhà khoa học kêu cứu nhưng di chỉ khảo cổ 3.500 năm tuổi độc nhất vô nhị của Hà Nội một lần nữa lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Nói đến Công ty Vietracimex, đây là nhà đầu tư có "máu mặt" trong lĩnh vực BĐS sở hữu một loạt dự án đất vàng từ Bắc tới Nam. Trong suốt quá trình kinh doanh, Vietracimex đã vướng phải những tai tiếng khiến dư luận bức xúc.

Điển hình như dự án Kim Chung - Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội), được khởi công vào cuối năm 2008 với mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng hơn 10 năm qua dự án dường như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm phần lớn diện tích đất "chôn" theo hàng nghìn tỷ của giới đầu cơ.

Một dự án gây bức xúc dư luận khác đó là Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn được bàn giao cho Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 thuộc Tổng Công ty Vietracimex để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). UBND TP.Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài do người dân bức xúc việc trạm đặt ở Hà Nội mà thu cho đường ở Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, một số lùm xùm khác như Nhà máy thủy điện Tà Thàng ( Lào Cai) - Vietracimex xây dựng không phép?; Một dự án khác gây "chấn động" dư luận năm 2014 là sự cố sập hầm Đạ Dâng (Lâm Đồng) do Tổng công ty Vietracimex là chủ đầu tư. Sự cố sập hầm này từng khiến 12 công nhân mắc kẹt...

Theo Hoàng Thành/Dân Việt

Print Friendly, PDF & Email