Chỉ có 9 nước châu Âu nhận lao động phổ thông Việt Nam

Tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện cục chỉ thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động phổ thông cho 9 quốc gia châu Âu, trong đó không có Vương quốc Anh.

Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, người lao động phổ thông khi muốn đi làm việc tại các nước châu Âu phải thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.

Đối với thị trường châu Âu, hiện cục chỉ thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động cho 9 quốc gia với những ngành nghề tương ứng sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungari có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD; Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD; Đảo Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD; Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD; Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD và Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD. Các thị trường này có mức lương dao động từ 360-580 EUR/ tháng.

Nếu người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cá nhân thì phải đăng ký hợp đồng cá nhân và được với Sở LĐ-TB&XH các địa phương thẩm định và chấp thuận.

Người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có các nước châu Âu) phải có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt; đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng một trong hai hình thức trên đều cần phải có: Hợp đồng lao động; visa và Giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài).

Theo Lý Trường/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email