Cần chính sách hỗ trợ phục hồi Nhà máy lọc nước lợ Cần Giờ giúp dân

Năm 2008, Nhà máy lọc nước lợ Cần Giờ của CTCP Đặng Đoàn Nguyễn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng với mong muốn giúp người dân huyện biển có nước sạch để dùng. Tuy nhiên, hiện nhà máy sắp trở thành… đống phế liệu do cam kết với nhà đầu tư bị phá vỡ…

Sau gần bảy năm dừng hoạt động vì những lý do bất khả kháng, Nhà máy lọc nước lợ Cần Giờ ngày càng dột nát, thiết bị hư hỏng dù chủ doanh nghiệp này đã “năm lần, bảy lượt” cầu cứu chính quyền. Đáp lại là sự thờ ơ và im lặng khó hiểu…

Cảnh hoang vắng tại Nhà máy nước sạch Cần Giờ.

Dừng hoạt động sau bốn năm

Chỉ tay vào nhà máy đang hoang hóa, cỏ mọc cao hơn đầu người, nhiều công trình như hồ chứa, hệ thống máy lọc nước, nhà xưởng… xuống cấp nghiêm trọng, bà Nguyễn Thụy Đông Đào – ca sĩ Đông Đào, người từng đạt giải nhất Tiếng hát truyền hình năm 1991 – Chủ tịch HĐQT CTCP Đặng Đoàn Nguyễn đau xót: “Buồn, tiếc lắm! Chục năm trước chứng kiến cảnh người dân nơi đây hứng từng xô nước mưa để dành nấu ăn, còn hồ chứa nước chỉ còn toàn là cặn. Nên tôi ước gì sau này mình có thể làm được điều gì đó cho người dân giảm bớt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt này. Nào ngờ, khi vừa thực hiện ước mơ phục vụ dân sinh được vài năm thì lại điêu đứng do không được hoạt động…”.

Năm 2005, TP.HCM kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp nước theo chủ trương xã hội hóa của ngành cấp nước thành phố, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nước sạch. Đồng thời, cũng theo chủ trương này, tư nhân sẽ nhận được nhiều “ưu đãi” khi đầu tư dự án vào Cần Giờ, nên Công ty Đặng Đoàn Nguyễn tiến hành đầu tư dự án, để biến nước mặn thành nước ngọt phục vụ người dân.

Theo giấy chứng nhận đầu tư do TP.HCM cấp, dự án Nhà máy lọc nước lợ Cần Giờ tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ có tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng, nhưng thực tế Công ty Đặng Đoàn Nguyễn đã phải chi ra hơn 105 tỷ đồng. Dự án 20 năm được thực hiện trong ba giai đoạn: Từ 2007-2011, mỗi ngày cung cấp 5.000m3 nước sạch; giai đoạn 2012-2016, nâng công suất lên gấp đôi và từ năm 2017 trở đi là 20.000m3/ngày. Thiết bị lọc nước của nhà máy theo công nghệ thẩm thấu ngược (R.O), lọc được tất cả các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe và lọc được cả nước biển. Toàn bộ lượng nước này được bán cho Công ty Dịch vụ Công ích huyện Cần Giờ để cung cấp cho người dân.

4

Tuy nhiên, khi nhà máy đưa vào vận hành khoảng một năm thì giữa năm 2011 TP.HCM lại triển khai tuyến ống cấp nước do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) xây dựng từ Nhà Bè nối qua huyện Cần Giờ nhằm cung cấp nước cho người dân toàn khu vực.

Việc này khiến dự án xã hội hóa của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn chết dần, trong đó có việc phát triển mạng lưới sớm hơn kế hoạch của TP.HCM. Ngoài ra, huyện Cần Giờ cũng không tiêu thụ hết lượng nước sản xuất 5.000m3/ngày theo thiết kế ban đầu bởi đã có đường ống dẫn nước về huyện do Sawaco đầu tư.

Trong nhiều văn bản kiến nghị TP.HCM, Công ty Đặng Đoàn Nguyễn cho biết sau 4 năm vận hành, do độ mặn của sông Lòng Tàu ngày càng tăng khiến chi phí sản xuất phải tăng nên nhà máy phải giảm sản lượng. Để giải quyết vấn đề xử lý mặn, nhà máy buộc phải vay vốn hàng chục tỷ đồng để bổ sung thiết bị nhưng vẫn không xuể, chưa kể do số tiền công ty còn nợ ngân hàng nhiều nên phải trả lãi, dẫn đến thu không bù chi và lỗ gần 100 tỷ đồng.

“Chỉ trong thời gian ngắn độ mặn của sông Lòng Tàu đã tăng lên đến 12.000-13.000ppm nên nhà máy buộc phải giảm công suất để xử lý. Từ tháng 3/2011, để đối phó tình trạng nhiễm mặn của nước sông, đồng thời tăng lượng nước cung cấp, chúng tôi gửi văn bản xin cải tiến công nghệ, nâng công suất lên 10.000m3/ngày. Nhưng cuối cùng không được giải quyết” – bà Đào nhớ lại.

2

Bảy năm ngoắc ngoải chờ đợi

Trong việc chủ động tự cứu lấy mình, Công ty Đặng Đoàn Nguyễn đã nhiều lần trình TP.HCM cho phép được nâng công suất trước thời hạn để thay đổi thiết bị phù hợp với nguồn nước nhiễm mặn thời điểm mới và cam kết bao tiêu hết lượng nước sản xuất. Tuy nhiên, phương án này không được chấp thuận. Tiếp đó, TP.HCM tiến hành phương án sử dụng ngân sách mua lại toàn bộ nhà máy theo quan điểm bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, của nhân dân và nhà đầu tư theo Quyết định 141 trước đó.

“Dù biết rằng sẽ thiệt hại rất nhiều, do nhà máy hoạt động chỉ vài năm, chưa kịp khấu hao vốn, nợ vay còn chồng chất nhưng doanh nghiệp cũng đành chấp nhận theo quyết định thành phố để bàn giao theo chủ trương. Nhưng bảy năm trôi qua, chủ trương thì công ty tuân thủ, nhưng việc mua lại công ty của thành phố thì vẫn phải đợi” – bà Đào thở dài.

3
Bà Đào đau xót chỉ tay về công trình phụ do công sức bà làm nên, nay phải hoang phế.

Được biết, để thực hiện việc mua lại nhà máy theo quy chế xã hội hóa, TP.HCM đã cho thành lập Tổ liên ngành, thuê công ty kiểm toán giá trị đầu tư độc lập, thuê công ty thẩm định đánh giá tài sản. Từ đó, sau nhiều lần thương thảo đàm phán thì Tổ liên ngành cũng đã đưa ra được kết luận và trình TP.HCM mua lại. Mặc dù giá đề nghị của Tổ liên ngành thiệt thòi rất nhiều cho nhà đầu tư, tuy nhiên đến nay sự việc đã trôi qua gần bảy năm, Tổ liên ngành nhiều lần kiến nghị giá nhưng nhà đầu tư vẫn chưa nhận được quyết định cuối cùng của TP.HCM về dự án này.

“Doanh nghiệp chúng tôi thực hiện lời kêu gọi của thành phố tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa, cùng chia sẻ khó khăn trong những năm thiếu nước trầm trọng. Việc ngưng sản xuất và cấp nước là do thành phố quyết định chứ không phải do chủ đầu tư. Chính vì sự trở ngại này mà ngân hàng cho vay đã kiện doanh nghiệp chúng tôi ra tòa để trả nợ và lãi vay từ năm 2007 đến nay” – bà Đông Đào bức xúc.

Hiện tại, việc đề xuất TP.HCM mua lại nhà máy nước sạch này như cách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa ở giai đoạn đầu, đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.

“Nhà đầu tư đã bị sự không nhất quán, không rõ ràng trong quy hoạch cấp nước cho huyện Cần Giờ làm khổ. Giấy chứng nhận đầu tư đã chấp thuận cho chúng tôi hoạt động 20 năm nên chúng tôi mới tiến hành đầu tư theo lộ trình 3 giai đoạn. Thế nhưng, khi chúng tôi tiến hành thực hiện dự án được vài năm, chưa thu hồi vốn thì Sawaco lại xây dựng đường ống đưa thêm 40.000m3 nước về cung cấp cho huyện Cần Giờ. Thế là Công ty Dịch vụ Công ích Cần Giờ đã không lấy hết lượng nước do nhà máy của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn sản xuất theo hợp đồng bao tiêu thỏa thuận ban đầu…”

Theo Cao Tuấn/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email