Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM truyền thuốc quá hạn sử dụng: Có dấu hiệu tiêu cực tại khoa Dược?

Theo kết quả kiểm tra thực hiện tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, bước đầu ghi nhận có dấu hiệu tiêu cực tại Khoa Dược. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị bệnh viện chuyển hồ sơ để cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ.

2 lọ thuốc quá hạn sử dụng 5 tháng mà bệnh viện truyền cho bệnh nhi

Phát hiện thuốc quá hạn vì nhặt vỏ chai từ thùng rác ra xem

Báo cáo ngày 30/6 của Sở Y tế TP.HCM gửi cho Bộ Y tế cho biết, khoảng 19h30 ngày 24/6/2020, Bệnh viện Truyền máu Huyết học nhận được phản ánh của thân nhân (bố đẻ) bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi (4 tuổi), chuẩn đoán: suy tủy về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, anh Lê Thọ Vũ, bố của bệnh nhi lo lắng và bức xúc:

“Con gái tôi 4 tuổi, bị suy tủy nặng, phát hiện bệnh từ tháng 7/2019. Sau một thời gian điều trị không hiệu quả. Đến tháng 6/2020, bác sĩ Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM quyết định chuyển sang phương án hoá trị. Theo đó, bé Chi sẽ được vào liên tục 14 chai thuốc có tên là Antithymocyte Globulin-Equine Thymogam, bắt đầu từ ngày 23/6/2020. 3 chai thuốc đầu, thì tôi an tâm vì có hạn sử dụng đến năm 2021. Tuy nhiên, tới 19h ngày 24/6, khi nhân viên y tế tiến hành truyền cho bé Chi chai hoá chất thứ 5, tôi lại thùng chứa rác thải y tế, nhặt vỏ thuốc xem thử. Cầm vỏ thuốc trên tay, tôi tá hoả vì cả 2 vỏ chai thuốc thứ 4, thứ 5 đều có ngày sản xuất là tháng 2/2018, hạn sử dụng đến tháng 1/2020. Tôi vội chạy vào báo cho bác sĩ trực”.

Ngay sau đó, bệnh viện đã dừng ngay lập tức y lệnh và kiểm tra lại hạn sử dụng của thuốc. Qua kiểm tra, phát hiện 2 lọ thuốc Antithumocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phép cho bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1/2020 (trong đó một lọ đã sử dụng xong còn một lọ đã sử dụng 1/3). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là tháng 11/2021.

Bệnh viện đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và tạm đình chỉ công tác tất cả các cá nhân có liên quan, tiến hành xác minh, làm rõ về nguyên nhân sự cố này. Sau đó, bệnh viện cũng đã chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra vào cuộc. Đồng thời, tổ chức hội chẩn và theo dõi sát tình hình người bệnh để kịp thời xử lý. Được biết, hiện trạng bệnh nhi vẫn ổn định, sinh hiệu bình thường, đang được bác sĩ điều trị theo dõi sát.

Ngày 26/6/2020, tức sau 2 ngày xảy ra sự cố, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai 3 đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc tại 3 đơn vị: đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối và đơn vị sử dụng, có sự tham gia của công an TP.HCM (PA.03) kết quả ghi nhận:

Hoạt động mua thuốc: Bệnh viện mua thuốc từ Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) địa chỉ: 18-20 Nguyễn Trường Tộ, P.12, Q.4. Tổng số lượng mua thuốc Thymogam 250mg/5ml, số lô A05418002, hạn sử dụng 31/1/2020 là 642 lọ và sử dụng hết vào tháng 4/2019, không tồn kho.

Tại công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, đơn vị phân phối thuốc cho bệnh viện cho kết quả, thuốc Thymogam 250mg (Antithymocyte Globuline) là chế phẩm Globuline kháng tế bào tuyến ức được điều chế từ huyết thanh ngựa hoặc thỏ được gây miễn dịch từ tế bào tuyến ức. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh suy tủy (thiếu máu bất sản) và phòng ngừa điều trị bệnh thải ghép trong ghép cơ quan được nhận. Theo hóa đơn chứng từ tại công ty cho thấy: Xuất bán cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM là 642 lọ, xuất bán cho bệnh viện khác là 490 lọ.

Kết quả kiểm tra thực hiện tại bệnh viện, ghi nhận có dấu hiệu tiêu cực tại Khoa Dược nên Sở Y tế đã yêu cầu bệnh viện chuyển hồ sơ lên cơ quan cảnh sát điều tra quận 1.

Công an TP.HCM (PA.03) đã trích camera quan sát của bệnh viện, hiện đang tiếp tục theo dõi một số đối tượng có nghi vấn có liên quan đến thuốc Thymogam 250mg/5ml hết hạn sử dụng.

Sở Y tế TP.HCM báo cáo nhanh vụ việc cho cục quản lý khám chữa bệnh được biết và sẽ tiếp tục kiểm tra xác minh, báo cáo sau khi có kết quả điều tra, xử lý của cơ quan cảnh sát điều tra quận 1.

Nhiều câu hỏi đặt ra

Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, có tất cả 3 lọ thuốc Thymogam quá hạn cấp phát cho người bệnh. Tuy nhiên, mới dùng được 1/3 lọ thứ 2 thì phát hiện sự cố. Điều đáng lưu ý là ngoài vỏ các chai thuốc quá hạn sử dụng này lại có chữ ký của nhân viên bệnh viện.

Điều này khiến cho lãnh đạo bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM nghi ngờ khả năng có ai đó đã đánh tráo thuốc trước khi cấp phát cho người bệnh, nên quyết định sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra.

Ngoài các vấn đề trên, cần làm rõ: vì sao những hóa đơn xuất kho trong 490 lọ thuốc lại có sự bất nhất? Ví dụ: ngày xuất 22/01/2019 lại có số 81739 nhưng ngày 28/01/2109 lại có số 81711, tức là ngày tiến nhưng số hóa đơn lại… lùi.

Trong số 490 chai hóa chất bán cho các đơn vị khác có đơn vị nào sử dụng không hết hay không? Nếu không hết thì biên bản tiêu hủy thuốc lâu nay giữa công ty bán thuốc (công ty TNHH Dược Sài Gòn) và các bệnh viện, đơn vị khác thế nào? Có đầy đủ biên bản, chứng từ không? Số lượng phù hợp không? Có ai chứng kiến không?

Vì đây là thuốc đặc trị số lượng nhập khẩu có hạn và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, do đó gần như không phân phối đại trà ngoài thị trường. Vậy, những lọ thuốc quá hạn trên từ đâu mà có?

Ngoài nhân viên Khoa Dược, thì còn ai tiếp tay không? Bởi, vì lý do gì mà điều dưỡng bệnh viện lại không phát hiện ra khi pha thuốc vào chai dịch truyền?

Vì sao không phải 3 chai đầu mà lại rơi vào 3 chai kế tiếp? Có hay không một sự sắp xếp, tính toán? Và trường hợp này có phải là lần đầu hay không?

Print Friendly, PDF & Email