Bảo hiểm Viễn Đông lỗ hơn 450 tỷ, vẫn chi 380 tỷ mua nhà Shark Liên làm trụ sở

Mặc dù CTCP Bảo hiểm Viễn Đông của em gái bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) bất ngờ báo lãi lớn kể từ năm 2017, nhưng đến nay lỗ lũy kế vẫn còn hơn 450 tỷ (tính đến cuối quý III/2019). Điều đáng nói, dù đang thua lỗ như vậy nhưng Bảo hiểm Viễn Đông vẫn chi 380 tỷ đồng để mua nhà của Shark Liên làm trụ sở.

Nhìn vào báo cáo tài chính kể từ cuối năm 2016 đến nay có thể thấy, màu xám là màu chủ đạo xuyên suốt trong bức tranh lợi nhuận của Bảo hiểm Viễn Đông.

Kinh doanh bết bát, “vênh” số liệu

Theo đó, tính đến cuối năm 2016, Bảo hiểm Viễn Đông ghi nhận doanh thu hoạt động bảo hiểm 1.621 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gấp đôi năm 2015.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cùng chi phí quản lý doanh nghiệp còn tăng với biên độ lớn hơn khiến đơn vị này vẫn phải “ngậm ngùi” báo lỗ 251 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế theo đó vọt lên mức 886 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ (300 tỷ đồng). Điều đáng nói, Bảo hiểm Viễn Đông lỗ “khủng” trong khi các đối thủ khác như PVI, PTI, Bảo Minh hay Bảo Việt vẫn đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng.

Thua lỗ nặng nề, thế nhưng bước sang năm 2017, doanh thu kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp “bất ngờ” tăng trưởng nhanh trên 80%, từ mức 1.621 tỷ đồng lên 2.951 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế 249 tỷ đồng trong năm 2017.

Năm 2018, Bảo hiểm Viễn Đông của em gái Shark Liên dù vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng so với giai đoạn trước đó song nếu so với năm 2017 doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm của công ty có phần chứng lại và sụt giảm 58% so với năm 2017. Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của công ty chỉ đạt gần 104,8 tỷ đồng, giảm gần 2,5 lần so với năm 2017 (249,2 tỷ đồng).

Còn tại báo cáo tài chính quý III/2019 được công bố mới đây, Bảo hiểm Viễn Đông của em gái Shark Liên ghi nhận gần 30 tỷ lợi nhuận sau thuế 9 tháng, tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ mặc dù doanh thi chỉ tăng trưởng thêm 40%.

Lỗ lũy kế của Bảo hiểm Viễn Đông cũng lần lượt biến động từ mức âm gần 900 tỷ (cuối năm 2016) xuống còn 486 tỷ (cuối năm 2018) và tại ngày 30/9/2019, lỗ lũy kế của công ty là 456 tỷ đồng, gần ngang ngửa số vốn điều lệ (500 tỷ) của công ty này tại thời điểm đó.

Điều đáng nói, tổng nguồn vốn tính đến cuối quý III/2019 sụt giảm 12% so với cùng kỳ và 87% được tài trợ bằng nợ ngắn hạn. Khoản mục nợ ngắn hạn tính tới cuối quý III/2019 của Bảo hiểm Viễn Đông đạt 1.128 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với phải thu ngắn hạn, trong khi đó tài sản ngắn hạn (692 tỷ đồng) bằng 61% nợ ngắn hạn.

Nợ phải trả của công ty này cũng gấp 27 lần so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Riêng khoản mục nợ vay tại công ty này, tăng đột ngột từ mức gần 14 tỷ năm 2017 lên tới 133 tỷ vào cuối năm 2018, tương đương mức tăng gần 10 lần. Tính đến cuối tháng 9/2019, vay nợ của doanh nghiệp ở mức 116 tỷ đồng, toàn bộ là nợ dài hạn.

Trước thực tế hoạt động của bảo hiểm Viễn Đông, liên tiếp trong những năm qua, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp này luôn ở trạng thái căng thẳng. Kiểm toán viên không ít lần đưa ra ý kiến về dấu hiệu ảnh hưởng tính hoạt động liên tục của Bảo hiểm Viễn Đông.

Một điểm đáng chú ý khác tại báo cáo tài chính của Bảo hiểm Viễn Đông đến từ việc “vênh” số liệu giữa hai báo cáo năm 2016 – 2017. Theo đó, tài sản ngắn hạn của công ty đạt 645,6 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2016.

Trong khi tại báo cáo năm 2017, thì tài sản ngắn hạn đầu kỳ (1/1/2017) lại là 694,8 tỷ đồng. Tương tự, tổng tài sản vào 31/12/2016 của công ty là 1053,1 tỷ đồng, thì số liệu đầu kỳ (1/1/2017) lại được “thổi” lên thành 1102,3 tỷ đồng.

Ghi nhận giao dịch liên quan tới “Shark Liên”

Bảo hiểm Viễn Đông được thành lập từ tháng 11/2003 với quy mô vốn điều lệ 72 tỷ đồng. Trong 7 năm sau đó, song song với việc mở rộng mạng lưới, công ty tăng vốn nhiều lần và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 500 tỷ đồng như hiện nay.

Hiện Chủ tịch HĐQT công ty là bà Đỗ Thị Minh Đức, được biết đến là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) – Chủ tịch Tập đoàn Aqua One và cũng là Chủ tịch của Công ty CP nước mặt sông Đuống. Bà Đức cũng đồng thời đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các công ty liên quan đến Tập đoàn Aqua One.

Điều đáng nói, vào thời gian bảo hiểm Viễn Đông chìm trong thua lỗ, vốn chủ sở nhiều năm liên tiếp trong trạng thái âm, nhưng doanh nghiệp này vẫn đầu tư 195 tỷ đồng để mua 8 triệu cổ phần CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 với giá vốn 24.375 đồng/ CP.

Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2018

Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, bảo hiểm Viễn Đông đã mua lại chính cổ phần bà Đỗ Thị Minh Đức (em gái Shark Liên) trong công ty Toàn Mỹ 14. Đây là đơn vị thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14, Km 1793 +600 đến KM 1824 +00) tỉnh Đăk Nông theo hình thức Hợp đồng BOT. “Công ty vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính năm 2016 từ Toàn Mỹ”, báo cáo năm 2016 đề cập.

Còn theo báo cáo tài chính năm 2017, 2018 của bảo hiểm Viễn Đông, khoản đầu tư này được bảo hiểm Viễn Đông đã mua lại chính cổ phần bà Minh Đức trong công ty Toàn Mỹ 14, tuy nhiên đến nay vẫn chưa sang tên được bởi khoản đầu tư này đã được Bộ Tài Chính yêu cầu trong các biên bản thanh kiểm tra thu hồi do đầu tư chưa phù hợp với quy đinh. Đồng thời, bảo hiểm Viễn Đông cũng chưa thể đánh giá tính hiệu quả của khoản đầu tư do chưa nhận được báo cáo tài chính 2017 -2018 của Toàn Mỹ 14.

Được biết, Toàn Mỹ 14 do chính bà Đỗ Thị Minh Đức, em gái Shark Liên sở hữu cổ phần chi phối. Tính đến cuối quý III/2019, giá trị khoản đầu tư này chỉ còn được ghi nhận ở con số 73 tỷ đồng do giảm sở hữu.

Không chỉ vướng “lùm xùm” “bơm” vốn cho công ty của chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức, bảo hiểm Viễn Đông còn ghi nhận khá nhiều giao dịch tài chính với các bên liên quan đến Shark Liên, chị gái của Chủ tịch bảo hiểm Viễn Đông.

Báo cáo tài chính quý II/2019 của bảo hiểm Viễn Đông

Có thể kể đến hợp đồng cho Công ty CP Nước Aqua One vay hạn mức không quá 50 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 6%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Tính tới cuối quý II/2019, bảo hiểm Viễn Đông đã cho Công ty CP Nước Aqua One vay 32,1 tỷ đồng. Tuy nhiên trong báo cáo tài chính quý III/2019, khoản mục này không còn xuất hiện.

Bên cạnh đó, ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên của bảo hiểm Viễn Đông, công ty này đã chi 380 tỷ đồng mua lại nhà số 19 Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM).

Được biết, căn nhà này là mua lại của chính Shark Liên và có diện tích rộng gần 292 m2. Như vậy, dù chưa xử lý xong số lỗ lũy kế, song Bảo hiểm Viễn Đông vẫn quyết “chơi lớn” với việc bỏ ra 1,3 tỷ đồng/m2 để mua căn nhà của bà Đỗ Thị Kim Liên làm trụ sở chính.

Theo Huyền Anh/Dân Việt

Print Friendly, PDF & Email